Mỏ đất hiếm mà các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện dưới đáy Thái Bình Dương có hàm lượng cao gấp ít nhất 20 lần so với đất hiếm của Trung Quốc.
Đảo Minamitori. Các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện mỏ đất hiếm gần hòn đảo này. Ảnh: flickr.com.
Hôm qua các nhà khoa học của Cơ quan Khoa học và Công nghệ Hải dương - Địa cầu Nhật Bản và Đại học Tokyo thông báo họ phát hiện dấu hiệu của đất hiếm tại một khu vực dưới đáy Thái Bình Dương và gần đảo Minamitori, cách thủ đô Tokyo khoảng 2.000 km. Kết quả phân tích những mẫu bùn cho thấy hàm lượng đất hiếm ở khu vực đó cao gấp 10 lần so với hàm lượng đất hiếm ở bờ biển Hawaii, Mỹ và gấp từ 20 tới 30 lần so với các mỏ đất hiếm của Trung Quốc, Japan Daily Press đưa tin.
"Chúng ta có thể khai thác khoảng 6,8 triệu tấn đất hiếm ở khu vực ấy. Với tốc độ sử dụng đất hiếm như hiện nay, các công ty Nhật Bản sẽ cần tới khoảng 230 năm để sử dụng hết 6,8 triệu tấn đất hiếm", nhóm nghiên cứu tuyên bố.
Đất hiếm là nguyên liệu cực kỳ quan trọng đối với hoạt động sản xuất turbin gió, điện thoại di động, máy tính bảng, tivi và nhiều thiết bị điện tử khác. Hiện tại Trung Quốc cung cấp tới hơn 90% trữ lượng đất hiếm toàn cầu. Nhưng các nhà sản xuất thiết bị điện tử tại Nhật Bản tỏ ra lo ngại sau khi chính phủ Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, đặc biệt là sau khi căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản tăng do tranh chấp đảo trong biển Hoa Đông.
Trở ngại lớn nhất đối với việc khai thác đất hiếm là độ sâu của mỏ. Do mỏ nằm dưới đáy biển, chi phí vận chuyển đất hiếm và các điều kiện khắc nghiệt có thể khiến các công ty chùn bước. Hiện nay con người chưa thể khai thác đất hiếm ở độ sâu lớn hơn 5.000 m.